Description |
Đờn ca tài tử Nam Bộ là dòng nhạc dân tộc của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Đờn ca tài tử hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, bắt nguồn từ nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ. Đây là loại hình nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động. Đối với người dân Nam Bộ, nghệ thuật Đờn ca tài tử là một loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu và là di sản văn hóa phi vật thể quý giá của cộng đồng. Lễ giỗ Tổ vẫn được duy trì vào ngày 12 tháng 8 Âm lịch hằng năm.
Nhạc cụ trong Đờn ca tài tử gồm 5 loại chính, gọi là ban ngũ tuyệt: đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn kìm, đàn cò, đàn tam. Phụ họa thêm là tiếng sáo, thường là sáo bảy lỗ. Về trang phục, những người tham gia đờn ca tài tử thường chỉ mặc các loại thường phục. Khi nào diễn ở đình, miếu hoặc trên sân khấu họ mới mặc các trang phục biểu diễn.
Đờn ca tài tử Nam Bộ bao gồm Đờn và ca: Đờn theo dòng nhạc tài tử Nam Bộ: Nhạc tài tử Nam Bộ gồm có 05 nốt nhạc chính: Hò, xự, xang, xê, cóng. Nốt nhạc phụ: Phạn, tồn, là, oan. Ca tài tử Nam Bộ: Là ca theo bài bản có sẵn, người viết chỉ dựa vào đó mà đặt lời ca sao cho phù hợp với âm nhạc. Thông qua việc thực hành Đờn ca tài tử Nam Bộ, cộng đồng góp phần giới thiệu, bảo tồn và phát huy các tập quán xã hội khác liên quan như lễ hội, văn hóa truyền khẩu, nghề thủ công,…Đến nay, Đờn ca tài tử Nam Bộ được thực hành ở mọi lúc, mọi nơi: trong lễ hội, ngày giỗ, cưới, sinh nhật, họp mặt,…
Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ không ngừng được sáng tạo trên cơ sở của 20 bài gốc (bài Tổ) và 72 bài nhạc cổ cho 4 điệu, gồm 6 bài Bắc (diễn tả sự vui tươi, phóng khoáng), 7 bài Hạ (dùng trong tế lễ, có tính trang nghiêm), 3 bài Nam (diễn tả sự an nhàn, thanh thoát) và 4 bài Oán (diễn tả cảnh đau buồn, chia ly). Những năm gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nên các nhóm nhạc tài tử hợp lại với nhau thành các câu lạc bộ đờn ca tài tử mang tính bán chuyên nghiệp. Đối với hình thức đờn ca tài tử bao gồm các ca sĩ nam, nữ và họ có vai trò bình đẳng.
|
Community |
Đờn ca tài tử có vùng ảnh hưởng lớn, với phạm vi 21 tỉnh, thành phía Nam Việt Nam gồm có: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh và Vĩnh Long. Trong đó, Bạc Liêu, Bình Dương, Tiền Giang và Thành phố Hồ Chí Minh là những tỉnh, thành phố tập trung nhiều người hát đờn ca tài tử hơn cả. |