Description |
Để đất đai không bị rửa trôi, có độ ẩm và độ phì nhiêu nhất định, cư dân cao nguyên đá Đồng Văn đã gom đá trên bề mặt để tạo thành bờ. Đá to, mặt tương đối bằng phẳng được xếp phía dưới; đá nhỏ, gồ ghề được xếp phía trên để tạo thành hình thang. Độ cao của bờ đá phụ thuộc vào địa hình từng mảnh nương. Nhưng nơi chỉ có hốc đá có đất, họ vẫn xếp đá để giữ ẩm và màu cho đất lâu dài.
Để thích ứng với dạng thổ nhưỡng trên núi đá, người dân đã chế tạo ra các công cụ sản xuất đặc thù: chiếc cày Hmông có lưỡi nhỏ, bắp dày, lưỡi hơi tù, mũi cong hướng lên trên, tránh bị sứt mẻ, gãy khi gặp đá. Cuốc bướm có lưỡi mỏng, hình tam giắc quắm, trũm vào, cong ở phần đuôi để dễ luồn lách vào các khe đá.
Các loại cây trồng chủ yếu trên nương đá là ngô, cây họ đậu, bí, tam giác mạch, bạc hà, dưa, lanh, thuốc lá. Hình thức canh tác chủ yếu là xen canh, vừa tận dụng hết khả năng của đất, vừa tạo ra lớp thực vật phủ trên bề mặt chống xói mòn.
Trong quá trình lao động, sản xuất, cư dân vùng cao nguyên đá Đồng Văn còn sáng tạo ra nhiều giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể như ẩm thực, phương tiện vận chuyển, nông lịch, kho tàng văn học dân gian, dân ca, dân nhạc, nghi lễ nông nghiệp…
|