Description |
Xuất hiện từ khoảng thế kỷ XVII, XVIII và trải qua nhiều giai đoạn phát triển, lúc thịnh lúc suy.
Kịch bản gồm 4 loại: Tuồng cổ, Tuồng cung đình, Tuồng dân gian và Tuồng hài. Cấu trúc kịch bản được chia thành nhiều hồi (3 hoặc 4 hồi), mỗi hồi có nhiều lớp.
Đề tài, nội dung tư tưởng như: anh hùng trượng nghĩa, ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc.
Nhân vật gồm: đào, kép, lão, nịnh, tướng, yêu tinh; chia thành hai phe: phản diện và chính nghĩa.
Âm nhạc trong Tuồng là sự tổng hợp của nhạc hát và dàn nhạc. Nhạc hát có điệu hát cơ bản là: nói lối, hát nam, hát khách, các làn điệu không nhịp và các làn điệu có nhịp. Dàn nhạc gồm: bộ trống, kèn, nhị/đàn cò và các nhạc cụ khác.
Múa Tuồng có 10 động tác múa cơ bản là: xoan, xó, bọc, úp, guộn; cầu, ký, siếng, bê, nhảy; múa ít, động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển.
Nghệ thuật hóa trang trong Tuồng có 3 màu chủ đạo (màu trắng, màu đen, màu đỏ) và thủ pháp “tạo khối” thể hiện hình tượng nhân vật. Phục trang phong phú, phù hợp với từng nhân vật. Sân khấu Tuồng mang tính ước lệ tượng trưng.
Hàng năm, ngày 11 - 12 tháng Tám, các đoàn hát Tuồng tổ chức lễ giỗ Tổ, ngày đầu làm lễ chay, ngày sau làm lễ mặn. Tổ nghề luôn được sùng kính, có nhiều kiêng kỵ. Trước đây, người dân Đà Nẵng còn có tục Bói Tuồng. Khi xem diễn Tuồng, họ tự suy đoán vận hạn, hên xui trong năm của mình ở một cảnh bất kỳ. Bói Tuồng đầu năm là một đặc trưng riêng ở xứ Quảng.
|