Description |
Mường Lò là vùng đất cổ của người Thái ở Tây Bắc, nghệ thuật xòe tạo nên bản sắc riêng của người Thái ở vùng đất này. Sáu điệu xòe được coi là khởi nguồn của 36 điệu xòe ngày nay được truyền lại ở Mường Lò gồm có:
Điệu Khắm khăn mơi lẩu (nâng khăn mời rượu) thể hiện nét văn hóa trong giao tiêp ứng xử; Điệu nhôm khăn (tung khăn) là điệu xòe tưng bừng, sôi nổi nhất, hay dùng khi mùa vụ bội thu, đám cưới, lên nhà mới; Điệu đổn hôn (tiến lùi) thể hiện tình đoàn kết keo sơn, cuộc sống có lúc gặp khó khăn, trở ngại nhưng ý chí và tình người thì vẫn luôn sắt son bền chặt; Điệu phá xí (bổ bốn): thể hiện tình cảm của mỗi cá nhân, sự đoàn kết của cộng đồng, luôn nhớ về nhau, cùng hướng về nguồn cội; Xòe bổ bốn còn mang bóng dáng quan niệm về vũ trụ, triết lý âm dương ngũ hành một cách tinh tế và sâu sắc của tộc người; Điệu khắm khen (nắm tay): là điệu xòe cơ bản nhất, sơ khai, biểu lộ sự gắn kết cộng đồng trong mọi hoàn cảnh; Điệu ỏm lọm tốp mư (vòng tròn vỗ tay) biểu hiện sự lưu luyến, bịn rịn lúc chia tay.
Từ 6 điệu Xòe cổ, các nghệ nhân dân gian đã phát triển thành 36 điệu Xòe, mang bóng dáng các sinh hoạt thường ngày. Người tham gia múa xòe tay trong tay, vai kề vai, người nọ bước theo chân người kia. Động tác, đội hình xòe rất giản dị, các bước đi của vòng xòe gần gũi với nhiều động tác hoạt động của con người trong lao động, trong sinh hoạt hàng ngày.
Xòe có 3 động tác tay cơ bản là: Xé quánh (phạt ngang), khua (rẽ đường), nhốm (tung) và 3 động tác chân cơ bản: Tin khoang (chân ngang), tin xắp (chân đuổi), tin quệt (chân xệt).
Nhạc cụ sử dụng trong nghệ thuật xòe có: bộ gõ (trống, chiêng, mác hính, tăng bẳng); bộ hơi (khèn bè và các loại pí (sáo) như: pí pặp, pí ló).
Sức hấp dẫn của xòe chính là sự sôi nổi, gần gũi mà đậm tình như hơi thở của cuộc sống. Nó không phân biệt người già hay trẻ, người lạ hay quen. Mọi người đều nắm tay nhau thân ái. Địa điểm tổ chức múa xòe cũng rất linh động. |