Description |
Hát cửa đình - hát nhà tơ đã tồn tại trong không gian rộng lớn ở các làng xã vùng ven biển thuộc tỉnh Quảng Ninh từ thế kỉ XIII. Loại hình này gắn liền với những ngôi đình cổ như: đình Trà Cổ, đình làng Bầu, đình Vạn Ninh (Móng Cái), đình Quan Lạn, đình Hà Vực (Vân Đồn), đình Đầm Hà, đình Tràng Y (Đầm Hà), đình My Sơn (Hải Hà).
Hát cửa đình diễn xướng theo các bước: 1/Giáo trống. 2/Giáo hương. 3/Dâng hương. 4/Hát giai. 5/Đọc phú. 6/Ngâm thơ. 7/Thổng. 8/Dồn. 9/Gửi thư. 10/Hát múa. 11/Đại thạch (Đại thực). 12/Hát múa bỏ bộ. 13/Hát múa bài bông. 14/Tấu nhạc và múa tứ linh.
Nội dung trong hát cửa đình là ca ngợi các vị anh hùng dân tộc đánh giặc ngoại xâm, các vị tiên công lập làng, lập xóm, những người có có công với nước, với làng.
Hát cửa đình gồm có 9 điệu: Giọng vọng, giọng thét nhạc, giọng thả, giọng huỳnh, giọng giai, giọng phú, giọng xà lam (ca trù), gọng hãm và giọng thập nhị tứ hiếu; và 4 điệu múa: Múa dâng nhan, múa tế, múa đèn, múa bông.
Không gian trình diễn là cửa đình rộng, có sự tham gia của nhiều người: người hát, người đánh đàn đáy, gõ trống chầu đều đứng; người gõ phách; người trình diễn mặc áo dài truyền thống màu nâu; trước khi hát có 3 bài múa, đội múa có từ 6 đến 12 người; riêng múa dâng hương có 2 bài, múa đón thần về đình làng (rước thần), múa dâng hoa mừng thần, múa đèn tiễn thần, cả đội múa vừa múa vừa hát.
|