Description |
Ông tổ của phường rối Thẩm Rộc là cụ Ma Quang Bằng (tức là Ma Công Bằng). Ban đầu, bộ rối có 5-6 con, trong đó có 2 con rối nam và nữ cùng vở diễn/tích rối bố - rối mẹ. Đến đời cụ Ma Quang Lai, bộ rối tăng lên 33 con với tạo hình quan lại, nông dân, trâu, chó, rồng, hạc, ngựa, tắc kè… Tất cả các con rối được tạo hình gắn với quan niệm thẩm mỹ trong nghệ thuật vẽ tranh thờ của người Tày. Phần lớn các con rối được điều khiển bằng những thanh tre gắn vào thân, đầu, tay và chân của nhân vật. Vật liệu làm con rối là gỗ cây “thừng mực”.
Dụng cụ biểu diễn rối cạn gồm tấm vải phông đen căng lên làm sân khấu, dụng cụ tạo nhạc (đàn tính, sáo) cùng với lời bài giáo và bàn tay khéo léo của nghệ nhân.
Trong khi nam giới điều khiển rối, thì phái nữ đánh đàn tính, hát then và đọc lời thoại cho nhân vật. Lời giáo thường là các bài văn vần. Các động tác biểu diễn của con rối mô phỏng lại sinh hoạt đời thường, lao động sản xuất của cộng đồng người Tày. Có 16 tích trò được ghi chép lại bằng chữ Nôm Tày. Nhưng hiện nay, phường rối chỉ diễn được 5 tích trò, do các tích trò còn lại không phù hợp với bối cảnh. Tiết mục đặc trưng nhất của rối cạn Tày là tích trò “người leo cây bắt tắc kè”.
Rối cạn được phường rối biểu diễn vào các dịp lễ tết trong năm như Tết nguyên đán, lễ hội xuống đồng…
|