Description |
Nghề làm bánh tráng phơi sương tại huyện Trảng Bàng có tuổi đời hơn 200 năm, có nguồn gốc từ vùng đất Ngũ Quảng, Bình Định.
Các công đoạn gồm: lựa chọn gạo ngon, xay gạo thành bột, tráng bánh, phơi bánh, nướng bánh, phơi sương. Trong đó, điểm tạo nên sự khác biệt của bánh tráng phơi sương là bột gạo được cho thêm chút muối cho đậm vị và dẻo hơn; bánh được tráng hai lớp để khi nướng giòn, phơi sương đêm không bị rách. Bánh được phơi trên phên vào ban ngày cho khô, sau đó lấy xuống nướng. Lò nướng là trã nhôm (nồi đáy tròn nấu rượu) đặt nghiêng, người thợ nhanh tay xoay cho cái bánh tráng chín phồng đều, cả hai mặt nổi những hạt bong bóng nhỏ và chuyển sang màu trắng đục. Nhiên liệu để nướng bánh tráng là vỏ đậu phộng.
Bánh tráng sau khi nướng xong được xếp lên giàn và chờ đến lúc sương xuống thì đem bánh ra phơi trong khoảng thời gian ngắn. Hơi sương ngấm từ từ vào bánh, giúp bánh mềm, không đổi màu, không cần nhúng nước trước khi ăn. Người phơi bánh phải "thức" cùng bánh, đợi bánh vừa thấm sương đủ mềm là bỏ vào trong bao, lót lá chuối để giữ độ mềm, xốp. Ngoài kỹ năng được dạy, người thợ làm bánh cần có năng khiếu, biết sử dụng các giác quan để cảm nhận được mùi vị bánh.
Khi ăn, người ta bóc ra một tấm bánh tráng, đặt lên chiếc đĩa rồi mới lần lượt xếp vào từng loại rau, dưa, giá mình ưa thích rồi thêm vào một hai miếng thịt và cuộn tròn lại vừa với miệng ăn, chấm nước mắm.
|