Description |
Sình ca hay còn gọi là “Sịnh ca”. Theo người Cao Lan, "Sịnh, sềnh" có nghĩa là "thần, chúa". Theo cách hiểu dân dã, "Sình" tức là "xướng", "ca" nghĩa là "ca lên, hát lên". Cộng đồng chủ thể có truyền thuyết về sự ra đời của loại hình dân ca này. Đây là lối hát đối đáp nam - nữ trên nền thơ thất ngôn tứ tuyệt và được ghi bằng chữ Hán.
Hát Sình ca gồm có hai loại là: Sình ca ban ngày và Sình ca ban đêm. Sình ca ban ngày được thực hành trong lễ hội đầu năm, đám tang, đám cưới, trên nương, trên suối. Sình ca ban đêm diễn ra chủ yếu trong nhà.
Chủ đề của Sình ca hết sức phong phú, đa dạng, phản ánh tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu nam nữ, tình cảm gia đình, tình yêu lao động, khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, răn dạy điều hay lẽ phải…
Hình thức của Sình ca là thể thơ thất ngôn tứ tuyệt (bốn câu, mỗi câu gồm 7 tiếng), được truyền miệng từ người này sang người khác, từ thế hệ trước cho thế hệ sau.
Hát Sình ca có các làn điệu như: hát ru, hát đám cưới, hát mời rượu, hát gọi, hát dạo đầu, hát thề hẹn, hát đố, hát mừng năm mới, đối giao duyên, đố… Về cơ bản, vần điệu, âm điệu của hát Sình ca nhẹ nhàng, mượt mà, sâu lắng; ngôn từ đơn giản, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày nên người nghe dễ hiểu, dễ tiếp thu.
Khi hát Sình ca bao giờ cũng có các điệu múa đi kèm, phụ họa, mô phỏng nội dung của bài ca. Một số điệu múa phổ biến như: múa xúc tép, múa còn, múa cầu mùa, múa làm nương, múa chim gâu…
|