Description |
Từ lâu ở làng Phù Khê đã nổi tiếng với nghề chạm khắc gỗ: “Hà Nội thêu quạt, thêu cờ; Phù Khê chạm trổ ngai thờ nhà vua”. Người được coi là tổ nghề, có công truyền dạy nghề chạm khắc gỗ cho người dân Phù Khê là cụ Nguyễn An. Hàng năm vào ngày mùng 7 tháng Giêng, thợ thủ công tại các phường nghề trong làng tập trung lại làm lễ giỗ Tổ nghề.
Dụng cụ nghề chạm khắc gỗ gồm: cưa, bào, thẩm, ke, tràng, đục móng, đục thẳng các loại to nhỏ khác nhau.
Nguyên liệu là gỗ, khá phong phú và tuỳ thuộc vào nhu cầu của khách về sản phẩm và giá thành sản phẩm.
Quy trình sản xuất chia làm ba công đoạn: làm thô - làm ngang (cắt, xẻ gỗ và đục mộng); chạm thô và chạm tinh.
Kĩ thuật độc đáo, thương hiệu của làng nghề là kĩ thuật chạm khắc rồng. Ở Phù Khê lưu truyền câu nói thể hiện phần nào độ khó của kĩ thuật chạm khắc: “Nhất mộc, nhị nhân, tam vân, tứ thú” (khó nhất là chạm cây cối, thứ hai là chạm hình người, thứ ba là chạm mây, thứ tư là chạm con thú).
Hoa văn trang trí chạm khắc theo các mô típ hoa sen, hoa cúc, phật thủ, lan tây, tứ quý gồm “tùng, cúc, trúc, mai”, “long, ly, quy, phượng”, “sỹ, nông, công, thương”…
Làng nghề có hai loại sản phẩm là sản phẩm truyền thống (rồng, tượng thờ, con giống…) và sản phẩm mỹ nghệ (sập, tủ, bàn ghế, hương án, bình phong…). Sản phẩm nổi tiếng của làng Phù Khê là tượng, hoành phi, câu đối, hương án, Long khảm, Long châu…
|