Description |
Hát trống quân ở Bình Giang có từ thời Hai Bà Trưng, phát triển rực rỡ nhất vào khoảng thời gian từ thế kỉ XVII đến đầu thế kỉ XX.
Hát trống quân gồm: hát giao duyên (hát trống quân, hát mó cá, hát đúm, xin hoa đố chữ) và hát thờ (giáo trống, giáo pháp và thơ nhang).
Hát trống quân xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang có nhiều điệu nhưng thông dụng nhất là “hát bồi” và “hát trải”. Lời hát là thơ lục bát, mỗi bài hát có từ 10 câu đến vài chục câu. Nguyên tắc hát là: nam trước nữ sau (nam xướng - nữ tòng). Người hát tự đánh trống cho hợp khẩu nhịp. Một cuộc hát theo trình tự: mở hội, mời, gọi, hỏi, đố, họa, giao duyên, giã hội.
Người Bình Giang gọi Trống quân là trống thùng. Độc đáo nhất của nghệ thuật hát Trống quân nơi đây là cách tạo trống. Trên một bãi đất rộng, đào một hố hình quả trứng sâu khoảng 50cm, dưới đáy hố đổ vỏ ốc nhồi để khuếch tán âm thanh. Trên miệng hố đặt một mâm gỗ bít kín, chôn hai chiếc cọc tre cao khoảng 1m ở hai bên mâm và căng một sợi lạt giang nối hai đầu cọc. Ở chính giữa sợi dây có một que - quân trống, đầu tì mặt mâm, đầu tì sợi dây. Khi đánh trống dùng dùi gỗ gõ lên hai đầu dây ở hai cọc, quân trống sẽ đánh vào mặt trống, tạo nên tiếng thùng thình vang xa. |