Nghề sơn mài Cát Đằng
  • Manage No, Sortation, Country, Writer ,Date, Copyright
    Manage No EE00002761
    Country Vietnam
    ICH Domain Traditional craft skills
    Year of Designation 2017
Translated by ChatGPT
Description Nghề sơn mài Cát Đằng ra đời cách đây hơn 600 năm (từ cuối thời Trần) gắn với các lễ hội tôn sùng Thánh Tổ làng nghề (tổ nghề là hai ông Ngô Đức Dũng và Ngô Ân Ba) và các lễ tiết trong năm diễn ra hàng năm vào ngày 14-16 tháng Giêng. Chất liệu phong phú: gỗ, mây, tre, nứa... Nguyên liệu chính là sơn được chế biến theo bí quyết riêng. Người thợ phải mất hàng tháng hoặc hơn để hoàn thiện một sản phẩm. Đồ mộc để sơn mài không được đóng đinh mà chỉ dùng mộng mạng gắn bằng sơn trộn với mùn cưa. Trong tất cả các khâu thì kỹ năng/kỹ thuật nổi bật nhất của nghề Sơn mài là cách pha chế sơn, phun sơn, thếp vàng, bạc, khảm, vẽ. Đó cũng là những bí quyết đặc trưng nhất của nghề Sơn mài Cát Đằng. Để làm ra một sản phẩm làng nghề, cần phải có các nguyên vật liệu chính như: sơn ta, dầu trẩu, nhựa trám, mạt cưa, đất thổ…. Các nguyên liệu làm cốt (vóc): gỗ, tre, nứa. Các vật liệu trang trí: quỳ vàng, quỳ bạc, vỏ trai, vỏ ốc, vỏ trứng…. Các dụng cụ để chế biến sơn: Mỏ vầy, mủng vầy, chậu sành…. Dụng cụ làm vóc: thép tóc, giấy ráp, đá mài, chổi khỏa, vải màn, lá mít, than xoan, tóc rối, dao gọt, dao kẽ, que sắt… Dụng cụ trang trí: bút lông mèo, thép tóc, dao kẽ… Hiện nay, bên cạnh những nguyên liệu sơn ta truyền thống, còn sử dụng chủ yếu sơn công nghiệp như: PU, hạt điều, Nhật… đồng thời có nhiều phương tiện hỗ trợ khác như: máy gọt, máy chần, máy vót, máy đánh giấy ráp, máy phun sơn…để làm hàng chắp nứa. Các sản phẩm của làng nghề hiện nay bao gồm hai dòng sản phẩm chính là: hàng nét (đồ thờ) và hàng chắp (thủ công mỹ nghệ). Hàng nét thường chế tác bằng gỗ với hai khâu là làm vóc (phôi mộc, gắn, bọc vải, bó, kẹt, hom, lót, thí, cầm) và trang trí (sử dụng quỳ bạc, quỳ vàng, vỏ trai, vỏ ốc, vỏ trứng… để khảm hoặc vẽ lên sản phẩm gồm các công đoạn: thếp, phủ. Sau mỗi công đoạn đều phải mài nhẵn). Đồ hàng chắp thường chế tác từ tre nứa, mây tre. Để hoàn thiện một sản phẩm sơn mài chắp nứa, ngoài quy trình thực hiện giống như đồ nét thì phải trải qua các công đoạn như: ngâm, phơi, chẻ, vót, chần nan, tạo phôi sản phẩm, tắm cốn, gọt, mài nhẵn, đánh giấy ráp sản phẩm, kẹt, đánh giấy ráp, phơi sản phẩm, phun sơn, vẽ. Ngày nay, trên cơ sở kế thừa nghề Sơn mài truyền thống, các nghệ nhân Cát Đằng đã và đang sáng tạo, tiếp thu thêm kỹ thuật mới, nguyên liệu mới để chế tác nhiều sản phẩm đa dạng phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, trang trí, tiêu dùng như: ngai, ỷ, kiệu, tượng, tranh, cơi đựng trầu, tráp ăn hỏi, đồ sơn son thếp vàng trang trí tại các di tích, bàn ghế, sập gụ khảm trai ốc, bình, lọ, chao đèn, ống bút, khay, bát… với nhiều kiểu dáng phong phú, đa dạng, phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Sự phát triển của nghề Sơn mài Cát Đằng góp phần giải quyết công ăn việc làm, cải thiện đời sống xã hội địa phương, xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp. Đồng thời, đã từng bước giới thiệu những giá trị truyền thống, tinh hoa văn hóa dân tộc Việt nói chung và địa phương Cát Đằng nói riêng ra khắp thế giới. Với các giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, giá trị sử dụng và kinh tế của di sản, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã công nhận “Nghề Sơn mài Cát Đằng” là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2017.
Community Xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định

Information source
Vietnam National Institute Culture and Arts Studies (VICAS)
http://vicas.org.vn