Description |
Rô - bam là loại kịch múa sân khấu cổ điển, dân gian hóa đầy tính sáng tạo của người Khmer diễn ra trong các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng hay trong lễ hội. Nghệ thuật Rô-bam đã ra đời, gắn bó với đời sống cộng đồng, phản ánh hiện thực cuộc sống xã hội của người Khmer đương thời. Vì vậy, qua nó chúng ta cũng hiểu được phần nào lịch sử xã hội vùng đồng bằng Cửu Long nói chung và tộc người Khmer ở đây nói riêng.
Nghệ thuật Rô-bam là một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Khmer ở Trà Vinh, một hình thức múa, hát kết hợp với diễn xuất. Rô - bam sử dụng ngôn ngữ hình thể, kết hợp giữa múa truyền thống, hát và nghệ thuật hóa trang bằng mặt nạ diễn tả “chuyện xưa tích cũ”, xoay quanh các câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, lịch sử…. Bên cạnh nhân vật thiện như: vua, hoàng tử, công chúa... và nhân vật ác (có đeo mặt nạ) tiêu biểu là chằn, còn có vai hề để gây cười, làm vui nhộn sân khấu.
Rô - bam với nét đặc sắc ẩn trong các điệu múa và những chiếc mặt nạ, thường kết thúc chính thắng tà, cái thiện luôn thắng cái ác, hướng con người đến Chân - Thiện - Mỹ. Rô-bam là thành quả trong hoạt động trí tuệ, là sự sáng tạo độc đáo của người Khmer Nam Bộ. Rô-bam có vị thế quan trọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của bà con người Khmer trước đây. Nó vừa phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí vừa mang tính triết lý và giáo dục sâu sắc, do đó có tác dụng không nhỏ đối với sự hình thành phát triển nhân cách, tâm hồn, cốt cách dân tộc và thế ứng xử văn hóa của cộng đồng người Khmer.
Năm 2017, Nghệ thuật Rô-bam của người Khmer tỉnh Trà Vinh được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận, đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian. |