Lễ hội Nàng Hai của người Tày
  • Manage No, Sortation, Country, Writer ,Date, Copyright
    Manage No EE00002770
    Country Vietnam
    ICH Domain Social practices, rituals, festive events
    Year of Designation 2017
Translated by ChatGPT
Description Lễ hội Nàng Hai của người Tày xã Tiên Thành (Phục Hòa-Cao Bằng) là một trong những lễ hội cổ truyền của đồng bào Tày với mong ước một năm mới mưa thuận, gió hòa, hạnh phúc, bình yên và tưởng nhớ công lao công chúa Tiên Dao nhà Mạc. Lễ hội Nàng Hai diễn ra trong nhiều ngày với nhiều nghi thức cúng, lễ. Lễ Nàng Hai diễn ra theo 3 phần: lễ đón Hai, lễ cầu Hai và lễ tiễn Hai. Lễ hội có nghi lễ đón trăng (mời Nàng Hai - nàng trăng xuống trần), lễ chia tay giữa mẹ Trăng và các nàng Trăng và lễ tiễn (vào ngày 22/3 âm lịch các năm chẵn). Trong lễ, thầy cúng mặc áo đỏ, đội mũ màu đỏ, tay cầm tính tẩu, chân lắc xúc xắc khấn mà như hát bài cúng bằng tiếng Tày ngay trước bàn thờ tổ tiên. Sau ông là 14 cô gái tay cầm chiếc quạt giấy, gồm: hai cô gái gần thầy cúng nhất ngồi xếp chân vòng tròn, tượng trưng cho Nàng Hai. 12 cô gái còn lại mặc áo chàm đen đi giầy vải thô, xếp ngay ngắn thành 2 hàng đứng liền ngay sau đó và một phụ nữ cao tuổi gọi là “Bà dẫn” - là người hiểu biết về phong tục, hát giỏi, gia đình hạnh phúc, ấm êm. Mở đầu phần lễ, thầy cúng đọc bài khấn, sau đó, 2 cô gái tay cầm quạt xoay vòng trong tư thế ngồi như lên đồng rồi cất tiếng hát. Đây chính là phần nghi thức để mời Nàng xuống trần gian. Sau nghi thức mời Nàng Hai xuống trần gian diễn ra trong nhà, thầy cúng dẫn nàng hai và 12 người con của Mẹ Trăng ra miếu thổ công của làng để trình báo với Thành Hoàng làng, cầu khấn xin được đón Mẹ Trăng xuống trần gian. Xong xuôi, bà dẫn cùng với các cô gái ra lán tế ngoài trời, nơi bà dẫn và ông pụt làm lễ cúng Mẹ Trăng. Thầy pụt khấn trước, bà dẫn hát sau, rồi 12 người con Mẹ Trăng đồng thanh hát theo bà dẫn. Đặc biệt, sự kết hợp nhịp nhàng, tinh tế giữa những lời ca, lời hát đối với những điệu múa truyền thống của người Tày trong hầu hết các hoạt động tâm linh tạo không khí vô cùng cuốn hút. Có nhiều điệu múa quạt dùng trong Lễ hội Nàng Hai như: Múa quét xoay vòng từ phải sang trái để bắt đầu một nghi thức; Múa cầu mùa; Múa điệu chèo thuyền v.v… Mỗi kiểu múa quạt đều có chung quy định là người múa phải đi ba vòng quanh khu vực làm lễ. Mời mẹ trăng xuống trần gian là một hành trình gian nan, vất vả. Phải hát mời đến lần thứ ba Mẹ Trăng mới đồng ý nhận lời mời xuống trần để giúp dân cầu mùa, cầu phúc. Kết thúc các điệu múa và các bài hát chia tay, thuyền chở các nàng trăng và các vật phẩm cúng tế các mẹ trăng về trời. Phần hội với các hoạt động thể dục thể thao, trò chơi dân gian... Lễ hội Nàng Hai vừa mang ý nghĩa cầu mùa, vừa phản ánh tục thờ Mẹ của người Tày được sáng tạo từ cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân lao động mong một cuộc sống tốt đẹp. Lễ hội Nàng Hai là một phần không thể thiếu trong văn hóa của dân tộc Tày ở xã Tiên Thành, đồng thời cũng là một điểm nhấn nổi bật trong di sản văn hóa ở tỉnh Cao Bằng. Với những giá trị độc đáo và đặc sắc đó, Lễ hội Nàng Hai đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017.
Community Xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng

Information source
Vietnam National Institute Culture and Arts Studies (VICAS)
http://vicas.org.vn