Description |
Lễ Xăng Khan là ngày tạ ơn tổ tiên, tạ ơn thầy mo đã dạy cách bốc thuốc, chữa bệnh cứu người và tạ ơn thần linh của người Thái ở tỉnh Nghệ An. Lễ hội Xăng Khan (còn được gọi là Kin chiêng boóc mạy) được diễn ra ở hầu khắp các huyện thuộc tỉnh Nghệ An, gồm có: huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông, Nghĩa Đàn.
Xăng Khan được tổ chức từ 3 đến 5 năm một lần, vào khoảng tháng 11, 12 âm lịch hoặc vào mùa xuân tại nhà các thầy mo. Nghi lễ ngày nay diễn ra trong 1 ngày 1 đêm. Lễ vật chuẩn bị cho nghi lễ Xăng Khan gồm: Thủ lợn, rượu cần, cá nướng, bát gạo, quả trứng, kiếm, chén rượu, chai rượu, trầu cau... và vật không thể thiếu trong lễ hội là cây hoa (cây Boọc mạy), được làm từ thân cây tre hoặc cây nứa già, có chiều dài 4m, được khoét nhiều lỗ chia thành nhiều tầng, nhuộm nhiều màu sắc khác nhau như: xanh, đỏ, tím, vàng, xâu lại xen kẽ lẫn nhau và trang trí đẹp mắt với nhiều hoa văn, họa tiết. Cây hoa là một biểu trưng quan trọng của lễ Xăng Khan. Bên cạnh cây hoa còn có tháp chín tầng, được làm bằng khung nứa, được chằng bằng các sợi tơ nhiều màu khác nhau.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các vật phẩm, các thầy mo bắt đầu tiến hành nghi lễ bằng việc khấn mời các thần linh Mường trời xuống trần gian đón nhận lấy phần lộc mà người dân tặng, ăn lễ vật mà người dân mang đến. Lễ hội Xăng Khan có nhiều nghi thức, nghi lễ và rất nhiều trò diễn, trò vui. Sau mỗi nghi lễ (như: đi tọng ruột cây tang, đón mo, gội đầu, lễ lễ mở màn, dựng cây hoa, lễ cúng ma…), là một trò diễn minh họa cho nội dung của nghi lễ đó. Các thầy mo cùng người dân nhảy múa xung quanh cây hoa (cây Boọc mạy) để mô phỏng lại các hành vi của các thần linh, các ma có trong nghi lễ đó với nhiều trò diễn xướng độc đáo như: Múa, nhảy sạp, hát nhuôn, hát xuối, khắc luống, đánh cồng chiêng, gõ boong bu, thổi khèn...
Kết thúc nghi lễ, chủ nhà trực tiếp hái hoa đem tặng cho mọi người, mỗi bông hoa là một phần thưởng tượng trưng cho sự may mắn trong cuộc sống. Sau đó, không chỉ người trong bản mà cả du khách thập phương cùng nhau nhảy múa, hòa lẫn với tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng khua luống, tiếng dập ống tượng trưng cho sấm, mưa, cho sự phồn thực với mong ước mùa màng bội thu.
Lễ Xăng Khan góp phần thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa, nhất là văn hóa tâm linh của cộng đồng người Thái bản địa. Lễ Xăng Khan mang đậm giá trị lịch sử, gắn liền với sự hình thành và phát triển của tộc người Thái, đã tạo ra bản sắc văn hóa riêng biệt. Với giá trị tiêu biểu, lễ Xăng Khan của người Thái ở Nghệ An được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, năm 2017. |