Lễ hội Cầu ngư
  • Manage No, Sortation, Country, Writer ,Date, Copyright
    Manage No EE00002783
    Country Vietnam
    ICH Domain Social practices, rituals, festive events
    Year of Designation 2017
Translated by ChatGPT
Description Lễ hội cầu ngư được tổ chức hàng năm, diễn ra trong 3 ngày, vào cuối tháng 2 âm lịch (từ ngày 22 đến 24-2), nhằm cầu mong trời yên biển lặng, thuận lợi cho mùa vụ đánh bắt cá trong năm. Theo các cụ cao niên, lễ hội cầu ngư ở vùng Diêm Phố xưa và Ngư Lộc nay, đã xuất hiện từ thời Lê, trải qua nhiều thế kỷ vẫn được bảo tồn và phát huy giá trị. Để chuẩn bị cho lễ hội, người dân đã tổ chức làm một chiếc thuyền Long Châu, vì đây là vật thiêng dùng để cúng tế chính trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Long Châu là một chiếc thuyền rồng, được làm bằng luồng, nứa, giấy màu, xốp và phẩm màu, được sử dụng như một chiếc thuyền thờ hình rồng, để mô phỏng chức năng và quyền lực của các thần vùng sông biển và để gửi gắm những lễ vật cùng với lời thỉnh nguyện của người dân, mong phù hộ cho họ trong cuộc sống trên biển khơi. Lễ hội gồm 2 phần: Phần lễ với các nghi thức được ngư dân tổ chức trang trọng như: Lễ rước thuyền Long Châu, lễ yên vị, lễ cầu an, rước cỗ, rước kiệu…. Tại đây, lễ vật được dâng lên các vị thần với mục đích tạ ơn các thần đã ban cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang, mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc. Khi mọi công tác chuẩn bị đã xong, sáng ngày 21/2 âm lịch, tại các đền, chùa ở trong xã đều lần lượt được mở cửa, bắt đầu các thủ tục thắp hương dâng lễ, các đội tế vào tế. Đến sáng hôm sau (22/2), các đội tế, phường bát âm, phường khiêng kiệu, các bản hội, hội đồng kỳ mục, các chức sắc trong làng, trưởng các dòng họ đã có mặt tại đền Thánh Cả để làm thủ tục rước kiệu. Đoàn rước được tổ chức khởi kiệu rất sớm từ đền Thánh Cả đến bãi “đất Phúc” (nay là trung tâm văn hóa xã). Sau khi làm lễ tế cầu mát, cầu an tại đây, các dòng họ, nhân dân và du khách thập phương lần lượt vào cúng lễ và chiêm bái, cho đến chiều ngày 24/2 thì kết thúc bằng lễ hóa tiễn Long Châu về biển. Lễ hội cầu ngư thường xuyên thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham dự, với 81 dòng họ, 450 chiếc tàu đánh cá của xã Ngư Lộc cùng về tham gia lễ hội, với đám rước dài khoảng 2 km và hàng trăm hương án của nhân dân bái lạy Long Châu suốt dọc đường rước về lễ đài. Phần hội được tổ chức sôi nổi, vui tươi, lành mạnh, với các hoạt động sôi nổi, mang đậm nét văn hóa truyền thống của vùng biển như: biểu diễn nhạc lưu thủy, múa lân, màn trống hội, diễn xướng chầu văn, hát giao duyên, thi cờ tướng, thi câu mực, thi đan lưới, thi hò đối, thi đánh cờ người... Lễ hội cầu ngư dịp để người dân gửi gắm những khát vọng về nghề đánh cá, ra khơi cầu mong sự che chở, hướng đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội Cầu Ngư là một lễ hội lớn, đặc biệt có giá trị trong đời sống tâm linh của cư dân vùng biển Thanh Hóa. Cuối năm 2017, Lễ hội Cầu Ngư xã Ngư Lộc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Community Các huyện Ngư Lộc và Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Information source
Vietnam National Institute Culture and Arts Studies (VICAS)
http://vicas.org.vn