Description |
Theo tài liệu của Sở Văn hóa và Du lịch, người Dao ở tỉnh Bắc Kạn có số dân đông thứ hai, chiếm gần 18% tổng dân số toàn tỉnh; được chia thành 2 bộ phận sử dụng phương ngữ là “Kềm miền” và “Kềm mùn” gồm 3 nhóm, 4 ngành và 8 chi. Mỗi nhóm mang một bản sắc văn hóa riêng, nhất là về trang phục. Với sự tinh tế trong cách ăn mặc, người phụ nữ Dao đỏ tạo ra được nét riêng, độc đáo trong cách bài trí trang phục.
Trang phục của phụ nữ Dao đỏ ở Bắc Kạn gồm hai loại là thường phục và lễ phục. Bộ thường phục mặc hàng ngày có hai màu chủ đạo là xanh, đen gồm khăn đội đầu, áo, yếm, dây lưng và thường không thêu hoa văn. Chiếc áo lễ phục được mặc trong ngày cưới hoặc lễ hội được cắt khâu, thêu thùa công phu, tỉ mỉ hơn, xẻ ngực, nẹp áo thêu, cài bằng khuy bạc, hai ngực áo đính nhiều bông len đỏ đính hình chữ V. Cổ áo phía sau đính nhiều chuỗi hạt màu. Hai ống quần được thêu hoa văn từ đầu gối trở xuống. Dây lưng làm từ hai mảnh vải dài khoảng hai sải thêu hoa văn và trang trí hai đầu rất đẹp. Tông màu chủ đạo của bộ lễ phục của đồng bào Dao đỏ là màu đỏ, vì họ quan niệm màu đỏ mang lại hạnh phúc và may mắn.
Trang phục của người Dao Đỏ là một trong các loại trang phục được trang trí hoa văn phong phú, đa dạng nhất trong các tộc người ở Việt Nam, thể hiện qua nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục. Trang trí trên áo dài và hai bên tà đính dây hạt cườm có đeo tua chỉ mầu đỏ, vàng ở đầu. Đầu tay áo có dải hoa văn thêu sẵn hoặc bằng vải xanh. Dây lưng làm bằng vải chàm, ở hai đầu thêu nhiều hoa văn hình cây cỏ, dấu chân hổ, chung quanh là hình dấu chân mèo mầu xanh, cây hoa, ngôi sao, cây thông, trẻ em. Quần được trang trí chủ yếu nằm ở hai ống với các băng hoa văn nằm ngang từ gấu trở lên ống quần. Váy thêu là một dải vải màu đỏ, ở giữa có hai hàng hoa văn bằng vải ghép hình răng cưa màu trắng, dưới đính một hàng tua rua màu đỏ, xanh, vàng. Yếm được thêu trang trí bằng chỉ màu sáng, đỏ, vàng, xanh, đính bạc. Quanh cổ yếm, dọc trước ngực yếm trang trí các bông hoa bạc, miếng bạc hình chữ nhật nối tiếp nhau được chế tác thủ công.
Bằng kỹ thuật thủ công: thêu, ghép vải, đính bạc, xử lý các bố cục màu và hình..., người Dao Đỏ tạo nên các mô típ hoa văn khác nhau trang trí lên trang phục của mình. Các loại hoa văn được trang trí đa dạng: hình cây cỏ, dấu chân hổ, dấu chân mèo, ngôi sao, hình đứa trẻ, vải ghép hình răng cưa, đính tua rua...
Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục chứa đựng nhiều giá trị về thẩm mỹ, tín ngưỡng và tâm linh, thể hiện sự khéo léo, tinh tế, óc sáng tạo của những người phụ nữ Dao Đỏ ở Ngọc Phái (Chợ Đồn-Bắc Kạn). Các họa tiết, hoa văn thể hiện trên bộ trang phục cho thấy sự khéo léo, tinh tế trong việc sử dụng màu sắc với con mắt thẩm mỹ, nghệ thuật của người phụ nữ Dao đỏ, bố cục cân đối hài hòa, tươi sáng, giúp tạo nên nét riêng, đậm đà bản sắc dân tộc. Với những nỗ lực gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào Dao đỏ, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2018. |