Description |
Lễ hội Bơi Đăm (hội đua thuyền) đã có từ rất xa xưa, diễn ra từ ngày 9 - 11/3 âm lịch, là hoạt động diễn tả lại cách dùng thuỷ quân đánh đuổi quân xâm lược của tướng Đào Trường thời vua Hùng (Hùng Duệ Vương). Hội bơi Đăm gắn liền với lễ hội đình và các di tích gồm: miếu Tây Đam, đình Đăm và đình Trung Tựu thuộc phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội). Tây Tựu vốn xưa kia là làng Đăm (kẻ Đăm) với ba thôn: Thượng, Trung và Hạ. Miếu Tây Đăm thuộc miền Thượng nơi thờ đức Bạch Hạc Tam Giang- người có công trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ nước Văn Lang thời Vua Hùng. Sau một thời gian bị gián đoạn, đến năm 1994, lễ hội bơi Đăm truyền thống được tổ chức lại. Hội bơi Đăm được tổ chức năm năm một lần, vào năm chẵn. Điểm đặc biệt và độc đáo của lễ hội bơi Đăm truyền thống chính là vừa rước Thánh trên bộ, vừa rước bằng đường thủy.
Lễ hội diễn ra tại nhánh của sông Nhuệ hay còn gọi là khúc sông Thủy Giang (Sông Pheo) dài gần 1km, rộng chừng trăm mét. Các đội đua đến từ các thôn tại địa phương. Lễ hội có 6 thuyền tham gia, được đánh số chia đều cho 3 thôn. Thuyền thôn Thượng gắn đầu Hạc, đánh số 1 và 4; thuyền thôn Trung gắn đầu Rồng đánh số 2 và 5; thuyền thôn Hạ đầu Ly đánh số 3 và số 6. Trên mỗi thuyền có sự tham gia của 25 người gồm: 01 lái, 01 phụ lái, 10 ông bay, 01 ông đánh mõ, 01 ông phất cờ, 01 ông tát nước và 18 đô bơi. Ngoài ra, còn có thêm một thuyền thứ 7- là thuyền Quan, làm nhiệm vụ giám sát cuộc đua. Cuộc đua tiến hành bơi 6 vòng trong 02 ngày mùng 10 và 11.
Điểm xuất phát từ trước nhà thủy tọa của đình đến miếu khoảng 1km. Trước khi bước vào cuộc đua chính thức, theo hiệu trống, các thuyền lần lượt cử người lên thủy tọa làm lễ Thánh - một nghi lễ không thể thiếu. Sau khi thực hiện xong các nghi lễ, trọng tài dùng hiệu cờ và loa để hướng dẫn các đội đưa thuyền vào vị trí theo trật tự, xếp bằng nhau ở đích xuất phát. Thuyền của 3 miền được xếp xen kẽ nhau, sẵn sàng chờ lệnh. Khi lá cờ lệnh của trọng tài được phất mạnh xuống, các thuyền bắt đầu bơi thi. Trên mỗi thuyền đua có người đánh mõ, hò dô tiếp thêm sức cho tay chèo. Trong tư thế sẵn sàng, các thuyền đồng loạt lao lên vun vút, dưới sự chỉ huy của ông Đô trưởng. Tiếng mõ, tiếng lệnh vang lên hòa nhịp theo tiếng hò đồng thanh … tạo nên một không khí sôi nổi, náo nhiệt như bước vào một trận thủy chiến quyết liệt. Các đội bơi dồn hết sức mình vào tay lái, tay chèo, thuyền như con thoi lao vun vút.
Ở hai bên bờ sông Nhuệ, dòng người của khán giả, du khách tập trung đông đúc để chứng kiến cuộc thi bơi thuyền trong ngày hội bơi Đăm. Tiếng trống như sấm dậy từng đợt, reo vang không ngớt, tiếp thêm sức mạnh cổ vũ, động viên cho các đội đua. Kết thúc cuộc thi, thuyền nào có số lượt về nhất nhiều thì nhận được giải nhất, thuyền nào có số lượt về nhì nhiều thì nhận giải nhì. Hai thuyền thôn nào có nhiều số lượt về nhất thì đạt giải nhất đồng đội, 2 thuyền thôn nào có nhiều số lượt về nhì thì đạt giải nhì đồng đội. Thuyền được giải còn có vinh dự rước ngai Thánh về miếu Thượng, bởi vì theo phong tục xưa, “Thánh đi bộ- về thủy”. Do vậy, 2 thuyền dành giải cao sẽ được đưa Thánh về ngự tại cung của Ngài vào ngày 11 tháng 3 âm lịch. Sau cuộc đua thuyền, dân làng tế lễ tạ ơn rồi rước Thánh xuống thuyền về Miếu của Ngài.
Lễ hội Bơi Đăm là một nghi lễ rất cổ, được dân làng bảo vệ và duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác. Lễ hội đua thuyền làng Đăm (Tây Tựu) góp phần cổ vũ, thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng, mang tính giáo dục hướng về cội nguồn, vừa là một hình thức rèn luyện sức khỏe đối với người dân địa phương. Bơi Đăm vừa vui khỏe, đẹp mắt, vừa hấp dẫn, độc đáo. Đây cũng là bộ môn văn hóa cổ truyền đấu trí thi tài, xứng đáng ở vị trí hàng đầu trong lễ hội truyền thống khắp vùng. Với những giá trị tiêu biểu đó, năm 2018, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội bơi Đăm truyền thống là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |