Description |
“Áy lay” là nghi lễ “cùng làm làng, cùng xây dựng làng”. Đây là nghi lễ truyền thống của người Dao Họ được tổ chức cầu mong thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu tại nơi người dân lập làng.
Mỗi năm, người Dao họ ở Văn Bàn đều tổ chức Lễ cầu làng 3 lần vào dịp mùng 2/2, mùng 6/6 và 12/12, trong đó lễ cúng ngày mùng 6/6 được tổ chức lớn nhất. Bởi đây là lễ cúng giữa năm, báo cáo thần linh, thổ địa những kết quả của bản làng đạt được trong 6 tháng đầu năm và lễ vật dâng cúng thần linh cũng đầy đủ hơn. Mâm cúng gồm có: một bát gạo làm bát hương, ba gói cơm, ba chén rượu, một bát gạo lẫn tẻ và nếp, để thầy cúng xin lộc cho làng. Khi cúng, thầy cúng gọi lần lượt tên của 7 vị thần thần gồm Ngọc Hoàng, Thiên Lôi, Chúa làng, Thổ công, Thần quản lý vía con người và Thần quản lý thóc gạo về chứng kiến và phù hộ cho cả làng. Mặc dù lễ cầu làng được tổ chức nhiều lần trong năm, nhưng nội dung và diễn trình của nghi lễ lại tương đối thống nhất.
Trước ngày diễn ra lễ cầu làng, chủ làng chọn ngày tốt, lựa chọn thầy cúng được người dân trong làng tín nhiệm. Thầy cúng phải mặc trang phục truyền thống, mang sách cúng để thực hiện nghi lễ. Lễ cúng được tổ chức ở nhà chủ làng. Các lễ vật như gà, lợn, rượu trắng, gạo... được các gia đình đóng góp, sau đó, tập trung về một hộ có uy tín trong cộng đồng đã được chọn từ trước để chuẩn bị cho các nghi lễ. Quy định trong một Lễ cầu làng cần ít nhất 3 vật sống để dâng cúng thần linh. Tuy nhiên, thông thường các gia đình đều dâng cúng lên thần linh khoảng 6 vật sống gồm 1 con lợn và 5 con gà. Các vật phẩm ở lễ cúng đều do người dân chăn nuôi sản xuất.
Từ sáng sớm, người dân đã tập trung ở nhà chủ làng chuẩn bị lễ vật để mời thầy đến cúng. Tùy từng dịp, thầy cúng sẽ có bài văn khấn bằng tiếng Dao riêng. Các bài khấn đều phải thể hiện sự biết ơn bề trên và cầu sự chở che, phù hộ của thần linh tới bản làng. Lễ cúng cầu làng kết thúc, người dân trong làng cùng nhau tổ chức bày mâm cỗ ăn uống tại nhà chủ làng để gắn kết với nhau hơn, thắt chặt tình cảm cộng đồng.
Lễ cầu làng thể hiện thái độ ứng xử của người Dao với thiên nhiên, không chặt phá rừng mà tôn trọng, bảo vệ tự nhiên nên có giá trị trong việc bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Năm 2018, Lễ cầu làng của người Dao họ đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |