Description |
Theo tiếng Nùng, “Phài Lừa” nghĩa là chèo bè. Lễ hội Phài Lừa tổ chức 3 năm 1 lần vào ngày 4/4 âm lịch của năm nhuận gắn liền với tục thờ Rắn của cư dân vùng ven sông Bắc Giang (hay còn gọi là sông Văn Mịch). Tục thờ bắt nguồn từ truyền thuyết về chàng Rắn diệt trừ hiểm họa bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân, cầu cho lúa tốt mùa màng bội thu.
Từ sáng mồng 4 tháng 4 (âm lịch), phần nghi thức diễn ra với lễ tế thần rắn tại đình Ông, đình Bà. Mỗi thôn, bản đều chuẩn 1 mâm lễ gồm gà, xôi, rượu, hoa quả, bánh kẹo....Thầy Pú Mo làm lễ cúng tế, mời thần Rắn về dự hội, về thăm bố mẹ nuôi và dân bản. Tiếp theo là nghi thức rước kiệu thần Rắn, xuất phát từ đình Ông đến miếu Thổ Công để trình diện và xin phép Thổ Công. Trên kiệu rước là tượng thần Rắn được tạo tác bằng gỗ. Đi đầu đoàn rước là các đội sư tử, tiếp đến nhóm rước cờ hội, kiệu thần Rắn, đại diện 3 dòng họ Vy, Đỗ, Nông, nhân dân trong xã và du khách tham dự lễ hội. Trống, chiêng, chũm chọe gõ đều theo nhịp đi của đoàn rước.
Sau nghi thức tế lễ và rước kiệu Thần Rắn, lễ hội diễn ra các hoạt động: thi bơi, lặn bắt chân vịt, đua chèo bè mảng, hát các làn điệu Sli, lượn ... Chèo bè mảng (Phài Lừa) là một tục hèm để tưởng nhớ thần Rắn xuống sông diệt Thuồng Luồng, trả thù cho em và mang lại cuộc sống bình yên cho dân bản.
Lễ hội mang đậm tính giáo dục, hướng con người đến cái thiện; là dịp để người dân gặp gỡ, vui chơi, trải nghiệm, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Năm 2018, Lễ hội Phài Lừa, xã Hồng Phong đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia. |