Description |
Lễ Cầu an (Pang A) của người La Ha là nghi lễ cầu an, tạ ơn thần linh, tạ ơn thầy cúng của những đã được thầy chữa khỏi bệnh (con nuôi). Lễ được tổ chức hàng năm, vào tháng 3 dương lịch, là dịp có hoa ban, hoa mạ nở rộ, mưa đã xuống và măng đắng đã mọc lên, hay khi hoa trạng nguyên nở rộ.
Trong lễ cúng Pang A, cây Xặng Bók là yếu tố trang trí không thể thiếu, được làm từ cây móc và chuối rừng, dựng ở gian giữa nhà. Cây móc (lăm la) tượng trưng cho con trâu đen, cây móc chết hóa thành trâu đen, cây chuối rừng (lăm tốc) tượng trưng cho con trâu trắng, là những người bạn của nhà nông. Vào dịp này, các con nuôi ở khắp nơi đều về để dâng lễ lên các thần linh, báo đáp công lao của cha nuôi. Quy mô tổ chức Lễ Pang A tùy thuộc vào từng thầy cúng. Nếu thầy cúng cao tay, có nhiều năm hành nghề, con nuôi đông thì quy mô tổ chức lễ hội lớn.
Các nghi lễ gồm: lễ cúng báo tổ tiên, cúng hồn cho chủ nhà, cúng mời thần linh về dự, cúng đưa hồn tổ tiên lên trời, diễn trò miêu tả bệnh đã được chữa khỏi, trò cày bừa... Khi thầy cúng xong, các con nuôi của ông lần lượt bày các sản vật mình mang theo lên bàn để ông cúng mời thần linh về thụ lộc và phù hộ cho con cháu nhiều sức khoẻ, mùa màng tốt tươi, trâu bò, lợn, gà...sinh sôi nảy nở.
Nghi lễ cúng xong, thầy cúng cùng bà con dân bản tổ chức ăn uống, ca hát nhảy múa để tái hiện cuộc sống lao động, sản xuất. Quanh Cây Xặng Bók, múa khăn, múa kiếm, múa tăng bu, múa trống cầu mưa, múa dương vật (sừng lừng), thi ném còn... Các đạo cụ để múa có bu (ống tre), khăn vải, cày, bừa, kiếm, lá chắn làm bằng gỗ, tre.... Khi tiếng trống chiêng nổi lên, mỗi người cầm một đoạn tre bắt đầu múa tăng bu vòng quanh tấm ván gỗ, họ bước theo nhịp trống, chiêng và nhịp dỗ của ống tre. Đi được khoảng 3-4 vòng họ lại cùng nhau hú lên rồi quay trở lại, cứ như vậy, màn múa kéo dài khoảng 1 giờ. Buổi chiều thầy tiếp tục cúng cho các con nuôi ở xa đến và uống rượu cần.
Lễ Cầu An chứa đựng giá trị nhân văn cao cả, mang tính giáo dục cao trong cộng đồng người La Ha ở các huyện Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Lễ hội nhắc nhở con cháu ghi nhớ công ơn thầy thuốc có công cứu chữa cho mình được khỏi bệnh, nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội. |