Description |
Khèn là một loại nhạc cụ đồng thời cũng vừa là đạo cụ để múa, có vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt của người Mông. Nghệ thuật Khèn thể hiện ở nghệ thuật chế tác và trình diễn Khèn.
Khèn vừa do chính những người đàn ông Mông kỳ công chế tác và truyền dạy. Để chế tác cây khèn tốt, nguyên vật liệu cơ bản cần có là: gỗ Pơ Mu, cây măng dê, vỏ cây đào rừng, lá đồng, bạc trắng, thuốc lào hoặc lá cây thuốc lào, tóc rối, vỏ con ve sầu, mỡ lợn, ống tre, que nứa. Khèn được làm bằng dụng cụ chế tác, gồm: dao, dùi, đe, búa, bếp lò; dao cắt lam, cạo lam 2 đầu; đá mài; dụng cụ đúc đồng...trải qua nhiều công đoạn: chọn nguyên liệu, đục đẽo, gọt, khoan, mài... với bí quyết riêng.
Các bộ phận cấu thành cây khèn (khềnh), gồm: Thân khèn; bầu khèn; đuôi khèn; ống khèn; lam khèn; lỗ khèn; đai khèn và lỗ thổi khèn. Cây khèn được chia thành 3 phần: Thân khèn, ống khèn, đai khèn. Ống khèn: gồm 6 ống, được làm bằng cây măng dê được luộc cho khỏi bị nứt nẻ, sau đó phơi nắng hoặc để gác bếp cho khô. Đúc đồng làm lam khèn là bước quan trọng và khó khăn nhất.
Tiếng khèn đã trở thành thông điệp để người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư nguyện vọng của mình. Người múa Khèn với dáng khum người và các thế quay, nhảy, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa, múa ngồi xổm, đi tiến, đi lùi theo giai điệu nhưng tiếng Khèn vẫn liên tục... Múa khèn không chỉ một người mà đến bốn người hoặc hơn, múa khèn với nhau chân đá rất đều và khỏe phù hợp với điệu khèn. Ngôn ngữ múa ngẫu hứng mang đậm bản sắc văn hóa dân gian Mông, được dùng biểu diễn trong những dịp sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Múa khèn Mông còn là biểu hiện của tín ngưỡng Saman giáo - một tín ngưỡng phổ biến ở dân cư Mông.
Nghệ thuật Khèn thể hiện sự khéo léo, tài hoa của người đàn ông Mông, mang đậm bản sắc của người Mông ở Mộc Châu - Sơn La. Nghệ thuật Khèn của người Mông là một di sản văn hóa độc đáo, có tầm quan trọng và ý nghĩa sâu sắc trong đời sống cộng đồng, xứng đáng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |