Description |
Lễ hội cầu mùa của người Sán Chay huyện Phú Lương được tổ chức hàng năm vào trước hoặc sau Tết Nguyên đán, là lễ hội cầu cho mùa màng tốt tươi, cây cối đâm chồi nảy lộc, thóc đầy bồ, gà đầy chuồng, cuộc sống no đủ, bình yên.
Vào ngày lễ hội, mỗi gia đình trong vùng tự chuẩn bị đồ lễ cúng tại đình làng, gồm các lễ vật như: xôi, gà, chân giò, đầu lợn hoặc thay bằng khấu đuôi, lòng lợn đã chín; rượu, trầu cau…; 1 mâm bánh sừng bò, bánh lẳng và các loại bánh khác đặc trưng của người Sán Chay. Đồ vật không thể thiếu trong khi làm lễ là những bức tranh cổ đi kèm. Một bộ tranh cổ đầy đủ của các thầy cúng gồm có 28 tờ tranh, với những hình ảnh khác nhau.
Lễ hội diễn ra lễ cúng ở miếu thổ công, trong đình. Khi đồ lễ đã xong, các trai đinh đã được phân công bê mâm lễ tiến vào đình làng, đi đầu là Chủ tén. Trước khi thực hành lễ, Chủ tén (thầy cúng) kiểm tra các bàn thờ và nhạc cụ, đạo cụ một cách cẩn thận. Chủ tén yêu cầu nổi một hồi trống ba tiếng và bắt đầu hành lễ. Trong lời cúng của Chủ tén có các nội dung ghi nhớ công lao của tổ tiên, báo cáo công trạng và cảm ơn sự che chở của thần linh để lúa đầy nhà, gà đầy sân, muôn dân trăm họ bình an, hạnh phúc…
Kết thúc lễ cúng là lúc diễn ra điệu múa Tắc Xình độc đáo - điểm nhấn của Lễ hội Cầu mùa. Múa Tắc xình có tiết tấu đơn giản, ngôn ngữ, động tác múa dễ hiểu. Nhạc cụ, chỉ là bộ gõ được làm chủ yếu từ tre hoặc gỗ nhưng lại tạo nên những tiếng phách rộn ràng. Ngoài ra, còn có âm thanh tổng hợp của chiếc trống nhỏ, chập xeng, chiêng, kèn lá, quả chuông và trống đất. Múa Tắc xình gồm các điệu: Thăm đường, lập làng, bắt quyết, mài dao, phát nương, tra mố, hái lượm, mừng mùa vụ hay chim câu… tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi.
Tại Lễ hội Cầu mùa, du khách còn được thưởng thức những bài hát giao duyên "Sình ca", hát Soọng Cô; tung còn, múa sạp, đi cầu khỉ, cờ tướng…và tham gia các trò chơi dân gian diễn ra trên khắp các khu vực của sân làng.
Lễ cầu mùa với nhiều nét đặc trưng của tộc người Sán Chay ở Phú Lương, mang tính nhân văn cao cả, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và con người, thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động. Lễ hội Cầu mùa đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2018. |