Description |
Đền Hai Bà Trưng còn gọi là đền Hạ Lôi, xã Mê Linh có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng. Đây là nơi thờ hai vị nữ anh hùng dân tộc là Trưng Trắc và Trưng Nhị - những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đổ nhà Hán giành lại nền độc lập, tự chủ dân tộc vào năm 40 - 43 (sau Công nguyên).
Lễ hội đền Hai Bà Trưng - Mê Linh được tổ chức hàng năm vào đầu tháng Giêng âm lịch tại Đền để tưởng nhớ công lao của hai Bà. Mở hội chính từ mùng 6 đến mùng 10 tháng Giêng với các nghi lễ dâng hương, lễ rước, tế lễ, giao kiệu… Cứ 5 năm một lần, vào năm có số cuối là 0 và 5, người dân sẽ tổ chức rước kiệu Hai Bà Trưng cùng với tứ vị thành hoàng làng Hạ Lôi
Từ ngày mùng 4 tháng Giêng, người dân địa phương sẽ làm lễ mộc dục, thay bao sái tượng Vua Bà. Sau đó, ngày mồng 4 và 5 người dân địa phương sẽ tổ chức lễ tế Hai Bà ở đình làng cùng với Thành hoàng làng là 4 vị tướng (anh em Đô, Hồ, Bạch, Hạc đã phù Thánh Tản Viên dựng lại nghiệp đế họ Hùng).
Trong lễ rước hai Vua Bà từ Đền về Đình, gồm có: 2 cỗ voi, 2 cỗ ngựa, đội thanh nữ mặc áo trắng khiêng kiệu, đội nữ binh hộ giá mặc áo nâu, quấn xà cạp, vác gươm như binh lính thời xưa và hai đội nữ rước hai kiệu. Ngoài ra, còn có đội mệnh bái mặc áo tế xanh có triện, đội nhạc công, đội sinh tiền, đội vác cờ súy, gươm trường và bát bửu, tán, lọng… tạo nên không khí long trọng cho ngày hội.
Vào sáng ngày mùng 6, dân làng sẽ tiễn hai bà về kinh đô. Hội đền Hai Bà Trưng, Mê Linh có nét độc đáo riêng là nghi thức giao kiệu. Đoàn rước sẽ có thứ tự: Kiệu Thành hoàng và tướng Cốt Tung sẽ đứng hai bên sân bái Hai Bà về kinh. Khi từ Đền ra, thì kiệu Trưng Trắc đi trước. Ra đến đường kéo quân để về đình làng, thì kiệu Trưng Nhị đi trước. Đến cổng đình thì đổi lại, kiệu chị đi trước, kiệu em sẽ đi sau. Hai bên sẽ nghênh đón hai bà. Nghi lễ này tượng trưng cho hình ảnh vua từ kinh đô Mê Linh về thăm làng.
Từ ngày mùng 7 đến mùng 10 tháng Giêng, lễ hội Hai Bà Trưng diễn ra lễ viếng lục bộ nữ tướng, lễ cầu phúc, lễ yến hạ và tạ lễ.
Sau nghi lễ, phần hội diễn ra nhiều trò chơi dân gian như: trò chơi đu quay, bịt mắt bắt dê, vật cổ truyền… và hoạt động diễn xướng tái hiện chiến tích hào hùng khi hai Bà tế cờ khởi nghĩa, tạo nên không khí náo nhiệt, tươi vui cho lễ hội. Lễ hội chứa đựng giá trị nhân văn cao cả, mang tính giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn. |