Lễ hội Nàng Hai (Cầu Trăng) của người Tày Ngạn
  • Manage No, Sortation, Country, Writer ,Date, Copyright
    Manage No EE00002815
    Country Vietnam
    ICH Domain Social practices, rituals, festive events
    Year of Designation 2018
Translated by ChatGPT
Description Lễ hội Cầu Trăng, hay còn gọi Lễ hội Nàng Hai, bắt đầu vào tháng giêng và kéo dài đến khoảng trung tuần tháng ba với ý nghĩa tượng trưng các mẹ, các nàng ở trần gian lên trời đón Mẹ Trăng và các nàng tiên xuống trần. Bà con tộc người Ngạn quan niệm, trên cung Trăng có mẹ Trăng và 12 nàng tiên con gái của mẹ Trăng là những người luôn chăm lo, bảo vệ mùa màng cho muôn dân. Họ chọn một bà mẹ làm Mẹ Trăng, các cô gái đóng vai nàng tiên, trong đó có hai cô chưa chồng đóng hai chị em trăng. Các nhân vật đều mặc trang phục truyền thống theo quy định. Họ dựng “lều trăng” làm chỗ ngồi cho mẹ trăng và các nàng tiên khi làm lễ. Trước khi hành lễ những người đóng vai Mẹ Trăng (Mụ cốc) và các nàng đứng trước bàn thờ để ông Tào làm lễ hóa thân cho linh hồn Mẹ Trăng và các nàng tiên nhập vào. Từ đó, họ phải kiêng cữ theo quy định. Phần lễ được tổ chức trên một bãi đất rộng với các nghi thức "cúng thổ công chúa bản" tại ngôi miếu chung để xin phép cho dân bản được tổ chức lễ hội cầu Trăng vào đêm hôm sau. Theo truyền thống, nghi thức rước lễ từ đình Thảnh An về đàn cúng ngoài trời là phần rất quan trọng để mời thần linh về chứng kiến. Đoàn rước gồm có 8 thanh niên khiêng kiệu, gồm 4 nam và 4 nữ, đi đầu là thầy cúng và các nghệ nhân múa lượn, tiếp sau là các mâm Lễ vật gồm đầu lợn, 4 chân lợn, gà, vịt, rượu, các loại bánh, xôi nhuộm ngũ sắc. Thầy cúng tiến hành cúng thổ công và các thần linh, các nghệ nhân cúng tế múa vòng quanh giàn cúng khi khai hội đón Trăng. Sau khi thực hiện xong nghi lễ trình báo mẹ Trăng và 12 nàng tiên, già làng tiến hành các nghi lễ cầu phúc, cầu may, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi; mời mẹ Trăng và các nàng tiên về ban mùa màng và phước lành cho dân bản. Lễ làm trong mười hai đêm. Mỗi đêm cúng mời một Mẹ. Sau đó, họ làm lễ tiễn các nàng trăng về trời. Về phần hội, thầy cúng thổi tù và khai hội. Người dân trong thôn, trong xã tham gia các hoạt động thể thao truyền thống như: bóng chuyền nam, nữ; thi bịt mắt bắt vịt; hội thi bắt cá trong ao. Ngoài ra, lễ hội có trình diễn hát những làn điệu dân ca, hát then, hát cọi, các trò chơi dân gian, các món ẩm thực truyền thống của bà con tộc Người Ngạn như cơm lam, các món rau rừng, mắm thịt lợn, mắm cá chép ruộng, trám muối, xôi ngũ sắc, măng chua, trám đen chấm với muối vừng. Đây là lễ hội dân gian độc đáo mang đậm màu sắc tâm linh có tính hướng thiện và tính giáo dục cao trong cộng đồng người Ngạn. Với những giá trị văn hóa đặc sắc, Lễ hội Cầu Trăng tộc người Ngạn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quyết định công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018.
Community Xã Vô Điếm, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang

Information source
Vietnam National Institute Culture and Arts Studies (VICAS)
http://vicas.org.vn