Description |
Lễ hội đền Thanh Liệt -hay còn gọi là lễ hội rước hến, là một tục lệ có từ lâu đời của làng Thanh Liệt, xã Hưng Lam (nay là xóm 9 xã Xuân Lam) được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch hằng năm. Theo quan niệm của cộng đồng, Lễ hội để tưởng nhớ công ơn của Nguyễn Biểu, Liễu Hạnh Công chúa và các thủy thần phù hộ cho nghề đánh bắt tôm cá, cào hến trên sông Lam. Không gian của lễ hội là đoạn sông Lam dài khoảng 2,5 ki lô mét, từ bến sông trước đền Thanh Liệt đến Ngã ba Phủ gồm các nghi lễ như: lễ xổ dầm, lễ chiêu nghinh, lễ chính tế, lễ chặt văng.
Ngày mồng 1 tháng Hai Âm lịch, tại đền, Ban lễ nghi của làng thực hiện một nghi lễ cầu đồng để xin lời truyền hạ của thần linh về việc tổ chức lễ hội. Sáng mùng 5, Ban lễ nghi thực hiện nghi thức xin phép thần linh làm lễ Phô trương/Mộc dục.
Nghi thức đặc biệt nhất là rước thủy. Sáng mùng 6, kiệu Thánh được rước bộ từ đền ra bãi bồi, đưa lên thuyền. Các thuyền lớn của vạn chài được kết thành 1 dãy dài, trang trí cờ hoa cùng đồ tế khí, lễ vật… Đi đầu đoàn rước là thuyền chủ có trang trí án thờ thủy thần, trên thuyền chở các bô lão lớn tuổi của làng, tiếp theo là thuyền chở kiệu của các thần. Họ tế thủy thần ở ngã 3 sông nơi giao lưu với 2 dòng sông Lam (Nghệ An) và sông La (Hà Tĩnh). Chủ tế thực hiện các nghi thức cúng thủy thần, hà bá... đặc trưng của miền sông nước. Tương truyền trong buổi lễ này còn có nghi thức rước hến, thả hến về sông, nên lễ hội đền Thanh Liệt từ xưa còn gọi là lễ rước hến. Lễ tế được tổ chức 2 tiếng đồng hồ và kết thúc bằng màn rước kiệu thần về lại ngôi đền Thanh Liệt và tổ chức lễ đại tế.
Hội có các trò chơi mang đậm bản sắc vùng sông nước như thi bơi trải, cướp giải, thi lặn, đua chèo lộn tiêu, thi cào hến, thi đấu Bóng chuyền, Kéo co, cờ tướng v.v…
Lễ hội đền Thanh Liệt mang đậm bản sắc vùng sông nước, là nơi bảo lưu tín ngưỡng thờ thủy thần và phản ánh tư duy nghề nghiệp của những người dân vùng hạ lưu sông Lam. Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội đền Thanh Liệt được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018. |