Description |
Lễ hội làng Thượng Liệt còn gọi là hội Giắng, tổ chức từ ngày 10 đến ngày 12 tháng Giêng (Âm lịch), tại quần thể di tích đình - chùa - lăng của làng, nhằm tưởng nhớ công ơn Công chúa Trần Thị Quý Minh. Sáng ngày 10, lễ hội làng Thượng Liệt được bắt đầu với nghi lễ rước lễ Phật từ chùa Thiên Đức Tự, đi quanh làng, điểm cuối là về đình. Buổi chiều, đoàn tế nữ quan làm lễ dâng hương và tế cáo.
Đặc sắc nhất là lễ rước ông thầy, bà thợ và điệu múa giáo cờ, giáo quạt. Ông Thầy, bà Thợ được chọn theo quy định cổ truyền. Sáng 11 và 12 dân làng tổ chức rước lễ Bà thợ của 02 thôn Đông Thượng Liệt và Tây Thượng Liệt. Trước kia ở Thượng Liệt có tổ chức rước lễ Ông thầy, nhưng những năm gần đây không tổ chức rước Ông thầy chỉ rước Bà thợ. Ông thầy có nhiệm vụ đón lễ, điển lễ, Bà thợ trước kia dạy múa cho các cháu nhưng nay không nhất thiết phải dạy múa, chỉ giám sát các cháu múa. Theo luật lệ của làng, một người có thể làm Ông thầy nhiều lần nhưng Bà thợ thì trong đời chỉ được làm một lần duy nhất. Ông chủ tế làm lễ Thánh và bắt đầu múa Giáo cờ giáo quạt. Trong 2 ngày này còn tổ chức lễ rước lễ vật của các thôn, làng trong xã dâng Thánh.
Cùng đó là chọn đội múa Giáo cờ, Giáo quạt - “cô Lèn”. Múa Giáo cờ giáo quạt là điệu múa cổ, gắn với những nghi thức cổ truyền xuất hiện ở làng Giắng từ thời nhà Trần. Vào lễ, Hai bà mặc lễ phục, ngồi võng lọng chỉ huy, giám sát cánh múa ở phía Đông và Tây của đình. Đây là hình thức múa dân gian tập thể có kết hợp với múa đôi. Nội dung diễn tả tâm trạng của công chúa trước khi đi xa làm lễ tạm biệt vua cha. Đội múa gồm 40 - 50 người. Các cô lèn (cô múa) mỗi người cầm một lá cờ nhỏ và một quạt giấy để gập trong suốt quá trình múa. Ở một vài lớp múa có thêm ông đọc róng và ông quản trò. Nó có khoảng 36 cấp múa khác nhau. Các động tác múa tập trung diễn tả cảnh sinh hoạt nông thôn. Khi múa tay cờ, tay quạt lúc bên này lúc bên kia, đổi tay cờ sang tay quạt, thường được gọi là tráo cờ, tráo quạt, tiếng địa phương đọc chệch thành “giáo”.
Bên cạnh các nghi lễ, rước và múa giáo cờ giáo quạt, lễ hội còn có các trò vui chơi, giải trí dân gian như chọi gà, cờ tướng, kéo co, vật… Lễ hội làng Thượng Liệt có giá trị lịch sử sâu sắc, gắn với sự tích Bà Trần Quí Minh người có công khai hoang, lập ấp tạo nên làng Giắng ngày nay. Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội làng Thượng Liệt được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018. |